Trong cuộc sống, có 2 công việc được xem là cao quý nhất đó là nghề thầy giáo và nghề thầy thuốc. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, B-Alpha xin gửi đến đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và toàn bộ nhân sự của ngành y lời chúc sức khỏe và lời tri ân chân thành nhất. Các y bác sĩ, nhân viên, cán bộ ngành y là những người hùng thầm lặng bảo vệ sức khỏe và sự bình an của mọi người, mọi nhà.
Hòa chung trong không khí của Thầy Thuốc Việt Nam, B-Alpha xin chia sẻ với quý độc giả 7 sự thật bổ ích, thú vị về ngành y Việt Nam và trên thế giới.
- Tại sao Việt Nam chọn ngày 27/2 hằng năm là ngày Thầy Thuốc Việt Nam.
Vào ngày 06/02/1985, Hội đồng bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 27/2 hằng năm làm ngày Thầy Thuốc Việt Nam để tưởng nhớ và kỷ niệm sự kiện Bác Hồ viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế vào ngày 27/2/1955. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn gửi đến các y bác sĩ, cán bộ ngành y nhiều điều trong đó có 3 điểm chính, đó là:
- “Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”.
- “Thương yêu người bệnh”.
- “Xây dựng nền y học của ta”
- Số lượng bác sĩ/10000 người hiện nay của Việt Nam
Số lượng bác sĩ trên 1 vạn dân tại Việt Nam là khoảng 10 bác sĩ, tỉ lệ này ở Australia là 36, Pháp là 34, Trung Quốc là 22 (ước tính năm 2022). Con số này chứng tỏ áp lực đối với lực lượng nhân sự ngành y là vô cùng lớn. Vì thế chăm lo tốt cho đời sống các y bác sĩ và chú trọng đào tạo nhân sự ngành y là vấn đề rất quan trọng đối với nước ta.
- 6 vị lương y nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam
- Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-?), tại Hải Dương.
- Được xem là vị thánh thuốc Nam, là ông tổ của y học cổ truyền Việt Nam
- Là người đầu tiên đề cao “Thuốc Nam chữa cho người Nam Việt”.
- Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác (1720-1791)
- Là nhà y học kiệt xuất, nhà văn hóa lớn của nước ta.
- Tên gọi Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là: ông già lười ở Hải Thượng. Tên gọi này được có lẽ đã được ghép do 2 chữ đầu tiên của tên tỉnh Hải Dương và tên phủ Thượng Hồng ghép lại. Hoặc có thể nó cũng được ghép bởi chữ Bầu Thượng là quê mẹ và nơi mà ông Lê Hữu Trác sinh sống lâu nhất.
- Giáo sư Hồ Đắc Di (1900-1984)
- Là nhà phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, cũng là giáo sư đầu tiên của Việt Nam do hội đồng giáo sư Pháp bầu chọn.
- Người đầu tiên sáng tạo phương pháp mổ dạ dày thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày trước đó.
- Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968)
- Người sáng lập Viện chống lao Trung ương. Có nhiều công trình và cống hiến cho sự nghiệp khám chữa bệnh lao phổi.
- Bộ trưởng Bộ y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (1945).
- Giáo Sư Đặng Văn Ngữ (1910-1967)
- Năm 1949 Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa tại Chiêm Hóa.
- Nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Sáng lập và là viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam.
- Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982)
- 1960, ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, còn gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”.
- Năm 1958, giáo sư tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam.
- Năm 1959, giáo sư phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi.
- Năm 1960,là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam. Năm 1965, GS triển khai thành công việc mổ tim bằng máy tim phổi nhân tạo ở nước ta.
- Năm 1977, giáo sư được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những nhà phẫu thuật xuất sắc thế giới.
- Ý nghĩa hình ảnh biểu tượng của ngành y
Biểu tượng của ngành y thường là 1 cây gậy có đôi cánh và một con rắn quấn quanh. Theo thần thoại Hy Lạp. Asclepius là một y sĩ Hy Lạp sống khoảng 1200 trước Công nguyên, ông được xem là thần y khoa. Tay trái ông thường cầm 1 cây gậy thần và luôn được 1 con rắn linh thiêng canh giữ. Bên cạnh đó, hình ảnh con rắn cũng có nhiều ý nghĩa khác như: sự lột xác, trẻ trung, dẻo dai và trường thọ.
- Ý nghĩa hình ảnh biểu tượng của ngành dược
Biểu tượng của ngành dược cũng liên quan đến con rắn. Đó là hình tượng cái bát có chân và một con rắn quấn từ dưới chân lên tới miệng bát. Cái bát chính là cái bát đựng thuốc của Công chúa Hygie. Bà là con gái cũng là trợ thủ đắc lực của vua Esculape, ông là minh quân và là thầy thuốc nổi tiếng, có khả năng giúp người cải tử hoàn sinh. Vua cha thăm khám, chữa bệnh còn con gái Hygie bào chế thuốc. Bên cạnh đó, nọc rắn có dược lực học rất cao, rắn có đặc tính chứa chất chống nọc độc để bảo vệ chúng trước nọc độc của chính mình. Đây có lẽ là một trong những lý do khác để hình ảnh con rắn được gắn liền với ngành y dược.
- 7 phát minh đột phá trong lịch sử y học
- Phát minh ra vắc-xin của Edward Jenner năm 1796 giúp phòng ngừa các dịch bệnh.
- Khám phá ra tế bào: Giáo sư Robert Hooke đã khám phá ra tế bào trong thập niên 1660, giúp cho con người hiểu được cấu trúc cơ bản của cơ thể mình.
- Thuốc gây mê: Nha sĩ William TG Morton được mệnh danh là người “làm dịu nỗi đau cho nhân loại”, là người đầu tiên chứng minh việc sử dụng Ether gây mê trong phẫu thuật vào năm 1846. Sự kiện này đánh dấu cho phương pháp gây mê hiện đại, cho phép điều trị không gây đau đớn cho bệnh nhân nhất là trong cá ca phẫu thuật phức tạp.
- X-quang: Phát minh của Wihelm Conrad Röntgen vào năm 1895 giúp cho việc chẩn đoán các bệnh lý nội khoa và ngoại khoa trở nên dễ dàng hơn.
- Thuốc kháng sinh penicillin: Alexander Fleming đã phát hiện ra penicillin vào năm 1928, điều này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong y học hiện đại, vì chúng cho phép điều trị và phục hồi các bệnh thường gây tử vong trước đây.
- Máy siêu âm: 1942– Nhà thần kinh học Karl Dussik được cho là người đầu tiên sử dụng siêu âm trong chẩn đoán y khoa. Ông đã dùng sóng siêu âm truyền vào sọ não trong nỗ lực phát hiện khối u não.
- Máy điều trị tim: Năm 1952, Paul Zoll lần đầu tiên sử dụng thành công các xung điện thông qua hai điện cực gắn vào hai kim được cắm vào ngực cho hai bệnh nhân bị ngừng tim, làm cho tim đập lại theo nhịp của xung điện đó.
- Cây ghép tạng: năm 1954 bác sĩ Joseph Muray và cộng sự đã thực hiện thành công ca cấy ghép thận đầu tiên trên thế giới. Thành công của Joseph E. Murray đã mở đường cho hàng trăm ngàn ca ghép tạng trên thế giới và mang về cho ông giải Nobel Y học năm 1990.
- CT Scanner và MRI
+ Tiến sĩ Godfrey Hounsfield đã phát triển máy quét CT đầu tiên được thử nghiệm trên một bệnh nhân ở London. Sau đó, ông đã nhận được giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm 1979 cho sáng chế này.
+ Máy MRI: được phát minh bởi 2 nhà khoa học người Mỹ là Paul Lauterbur và Peter Mansfield trong những năm 1970. Nhờ những đóng góp của hai nhà khoa học này, máy MRI đã trở thành một công cụ y tế quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh liên quan đến não, cơ xương khớp, tim mạch, gan và nhiều bộ phận khác trong cơ thể
- Phẫu thuật robot: Đây là phát minh mới nhất trong lĩnh vực y học, cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật một cách chính xác và hiệu quả hơn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào sự khéo léo của bàn tay con người
- Lời thề Hippocrates của sinh viên trường y
Lời thề Hippocrates là văn bản nổi tiếng nhất trong y học phương Tây. Nó là nền tảng cơ sở đạo đức của nghề y. Hippocrates sinh ra tại đảo Aegean, Hy Lạp khoảng giữa thế kỷ thứ 5 trước công nguyên và được coi là bác sĩ đầu tiên của y học hiện đại. Mặc dù sống giữa thời đại khi y học gắn liền với tâm linh thần bí và việc chữa bệnh gắn với các tập tục về tôn giáo nhưng ông lại bác bỏ quan điểm này và cho rằng mỗi bệnh tật đều có một nguyên nhân tự nhiên riêng. Lời tuyên thệ Hippocratic là lời thề về đạo đức nghề nghiệp mà bất cứ sinh viên nào của trường y cũng phải xướng lên trong lễ tốt nghiệp.