Bảo hiểm và chu kỳ kinh tế
Mối tương quan giữa sự vận động của thị trường bảo hiểm và chu kỳ kinh tế
Quy luật tuần hoàn có thể xem là một trong những quy luật quan trọng nhất trong cuộc sống. Tuần hoàn là những sự vận động tăng và giảm mang tính lặp đi lặp lại, có thể tiếp diễn bất tận. Mỗi năm có 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cuộc đời con người cũng phải trải qua Sinh – (Lão – Bệnh )– Tử. Vậy còn trong kinh doanh thì sao? Quy luật tuần hoàn này thể hiện như thế nào? Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ đó để giúp ích cho công việc và cuộc sống của mình? Nhân dịp đầu năm mới, khi đất trời trở mình đón mùa xuân, chúng ta hãy cùng bàn về quy luật tuần hoàn được thể hiện trong các chu kỳ kinh tế, và ngành bảo hiểm của chúng ta ở đâu trong những sự vận động biến đổi đó. Hi vọng những chia sẻ dưới đây sẽ mang đến cho các độc giả thêm một góc nhìn trong dự đoán về triển vọng của năm mới mà chúng ta đều sẽ tự có cho bản thân mình.
Chu kỳ kinh tế
Chu kỳ kinh tế tiếng Anh là Economic Cycle hay còn gọi là chu kỳ kinh doanh Business Cycle. Dưới góc độ vĩ mô, chu kỳ kinh tế thường được đo bằng chỉ số GDP. Tuy nhiên không chỉ có GDP mà các số liệu về năng lực sản xuất công nghiệp, việc làm, thu nhập, sức mua và lạm phát, lãi suất và đầu tư... cũng vô cùng quan trọng trong việc đánh giá toàn diện các giai đoạn của một chu kỳ kinh tế.
Bên cạnh đó, ở phạm vi doanh nghiệp, chu kỳ kinh doanh đề cập đến các giai đoạn hình thành, phát triển và suy thoái của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm chu kỳ về mặt vĩ mô của cả nền kinh tế và biểu hiện của một số ngành nổi bật trong chu kỳ đó.
Có 4 giai đoạn của 1 chu kỳ kinh tế và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lần lượt!
Giai đoạn thứ I – Mùa xuân
Trong tiếng Anh, chu kỳ này được gọi là giai đoạn Phục Hồi sau khi đã trải qua suy thoái, giống như mùa xuân của chúng ta sau một mùa đông dài lạnh lẽo và u buồn.
Đây là giai đoạn nền kinh tế hồi phục dần dần sau những tổn hại từ khủng hoảng. Trong giai đoạn trước đó, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, công cụ để nhằm giải quyết khủng hoảng và đây chính là lúc những nỗ lực của chính phủ phát huy tác dụng rõ rệt, có thể nhìn thấy và đo lường được. Sự kỳ vọng của người dân bắt đầu tăng trở lại, sức mua tăng, sản xuất công nghiệp tăng và lãi suất giảm. Nền kinh tế bắt đầu ổn định, sau đó mở rộng và tăng trưởng trở lại.
Trong giai đoạn này, các lĩnh vực có sự phát triển nổi bật hoặc thu hút đầu tư đó là:
- Các ngành công nghiệp sản xuất;
- Các ngành vật liệu chế tạo;
- Công nghệ
- Tài chính
- Sản phẩm không thiết yếu.
Nhờ vào mức lãi suất thấp, người ta có thể tăng việc vay tiền (tài chính) để đầu tư hoặc chi tiêu vào các mặt hàng ít thiết yếu hơn. Khi kỳ vọng tăng, sức mua tăng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của lĩnh vực công nghệ, công nghiệp. Và nhờ vào sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, ngành vật liệu chế tạo, sản xuất từ đó cũng phục hồi và tăng trưởng theo.
Bảo hiểm thuộc vào nhóm ngành tài chính do đó, giai đoạn phục hồi này cũng được xem là thời gian mà ngành bảo hiểm sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chung đi lên trong thu nhập của người dân và của cả nền kinh tế
Giai đoạn thứ II – Mùa Hạ (Mở rộng)
Giai đoạn này được gọi là giai đoạn phát triển/mở rộng. Nhờ vào đà phục hồi từ giai đoạn trước, niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố, nguồn tiền rót vào các lĩnh vực kinh tế nhiều hơn, các doanh nghiệp tư nhân cũng muốn mở rộng. Để thực hiện điều này, họ tham gia vào các khoản vay ngắn hạn, nhu cầu tiền mặt cao thì lãi suất cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn vì các ngân hàng và tổ chức tín dụng muốn nắm bắt cơ hội sinh lời này. Đồng thời sản xuất kinh doanh được mở rộng cũng gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó kích thích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Gía cả hàng hóa cũng sẽ tăng lên do các công ty muốn bổ sung thêm hàng vào kho để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Nền kinh tế phát triển nhanh chóng cho đến khi đạt đến đỉnh cao.
Đây là giai đoạn dài nhất và tuyệt vời nhất trong một chu kỳ, giá mà chúng ta luôn được sống mãi như vậy!
Các lĩnh vực hoạt động tốt trong giai đoạn này đó là:
- Công nghệ
- Hàng hóa thiết yếu
- Năng lượng
Trong lịch sử, ta thấy được lĩnh vực công nghệ là lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong giai đoạn Mở rộng này. Khi kinh tế đang lên, những công ty trong một ngành cạnh tranh liên tục để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của họ, muốn đạt được điều này định phải có sự đầu tư mạnh tay vào công nghệ. Bên cạnh đó các ngành sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và năng lượng cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc.
Đối với tiêu dùng cá nhân, về nhu cầu hàng hóa dịch vụ cũng sẽ được gia tăng. Các dịch vụ về tài chính, bảo hiểm cũng đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian này.
Giai đoạn thứ III – Mùa Thu (Đỉnh cao và Suy giảm)
Khi nền kinh tế đạt đến đỉnh cao nhất thì không có kịch bản nào khác ngoài việc nó sẽ đi xuống. Lãi suất bắt đầu tăng nhanh, giá cả hàng hóa và dịch vụ do đó cũng tăng theo nhanh hơn. Khi nguồn cung tiền giảm xuống, khi không còn thoải mái vay với lãi suất thấp nữa thì chắc chắn chi tiêu sẽ giảm.
Các lĩnh vực hoạt động tốt trong thời kỳ này đó là:
- Năng lượng
- Vật liệu
- Hàng hóa thiết yếu
- Ngành tiện ích thiết yếu (điện, nước, khí đốt...)
- Chăm sóc sức khỏe
Khi chu kỳ của nền kinh tế lên đến đỉnh cao, các ngành năng lượng và vật liệu nhìn chung vẫn sẽ hoạt động tốt do sản xuất và nhu cầu tiêu dùng vẫn còn tăng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, các mặt hàng và tiện ích thiết yếu thì sẽ tăng trưởng vì không ai có thể sống tốt nếu thiếu những sản phẩm và dịch vụ cơ bản này. Khi nền kinh tế đang ở đỉnh cao, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng tăng.
Giai đoạn thứ IV – Mùa đông (Suy thoái)
Đây là giai đoạn cuối trong một chu kỳ kinh tế, nhẹ thì chúng ta gọi là suy thoái, nặng hơn thì là khủng hoảng. Đây là lúc tỉ lệ thất nghiệp tăng, lãi suất tăng vọt, thu nhập chung giảm, tỉ lệ phá sản tăng và nền kinh tế lâm vào suy yếu.
Lúc này thì người ta chỉ ưu tiên vào các mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ tiện ích thiết yếu nhất cần phải có trong cuộc sống. Mọi người cũng dần có những lựa chọn mang tính phòng vệ hơn, họ tiếp tục tập trung vào sức khỏe thay vì những dịch vụ xa xỉ. Nếu buộc cắt giảm chi phí, thì làm việc, liên lạc từ xa sẽ là một giải pháp rất tốt, từ đó ngành viễn thông cũng có điều kiện phát triển trong thời kỳ này.
Một góc nhìn khác về bảo hiểm
Chúng ta thấy trong chu kỳ kinh tế, bảo hiểm được nhìn nhận là một ngành tài chính do đó nó sẽ được hưởng lợi và phát triển mạnh vào những giai đoạn như mùa xuân, mùa hạ của chu kỳ, đó là giai đoạn của phục hồi, tăng trưởng và phát triển. Còn tại giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập trở nên eo hẹp thì người ta sẽ không mặn mà với đầu tư tài chính hay bảo hiểm. Có thể nhìn thấy rõ điều này tại Việt Nam năm 2022, khi kinh tế trở nên khó khăn thì mức tăng trưởng của ngành bảo hiểm cũng giảm.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một góc độ khác, gần với ý nghĩa của bảo hiểm hơn ta sẽ thấy, bảo hiểm sinh ra là để bảo vệ tài chính của con người trước những rủi ro bất trắc trong cuộc sống. Vậy thì những khi khó khăn, hoạn nạn, thất nghiệp mới là lúc tình hình tài chính của bạn đứng trước rủi ro nhiều nhất, dẫn đến những rủi ro khác như: ốm đau, tai nạn không thể điều trị tới nơi tới chốn, người thân không được chăm sóc nếu lao động chính gặp bất trắc. Chính lúc này là lúc bạn cần đến bảo hiểm nhất. Do đó, nếu được nhìn nhận đúng đắn, bảo hiểm chính là một trong những sản phẩm dịch vụ thiết yếu nhất của cuộc sống, cần được trang bị ở mọi thời điểm trong cuộc đời và càng sớm thì càng tốt. Vì thế khi kinh tế đi lên người dân nên mua bảo hiểm, khi kinh tế đi xuống, ai chưa có bảo hiểm lại càng cần phải trang bị ngay. Đây chính là ý nghĩa đích thực của sản phẩm bảo hiểm mà không phải ai cũng hiểu rõ.
Chính vì thế mà việc “thay đổi góc nhìn của người dân về bảo hiểm” là sứ mạng hàng đầu mà B-Alpha theo đuổi.
Trên đây là những chia sẻ về quy luật tuần hoàn qua các giai đoạn phát triển của chu kỳ kinh tế, cùng một số nhận định về ngành bảo hiểm trong tiến trình vận động thay đổi đó. Hi vọng những chia sẻ này sẽ cung cấp cho các độc giả, nhất là các tư vấn viên, đại lý bảo hiểm thêm một góc nhìn về bức tranh tổng thể của nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng để có niềm tin và chiến lược phát triển phù hợp với mình.
Admin Ánh Tuyết
Xem thêm