ĐÁNH GIÁ NGUY VÀ CƠ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP KỲ 2
Hãy cùng tiếp tục tìm hiểu nguy và cơ của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các yếu tố về sản phẩm và chính sách công ty
Trong kỳ trước chúng ta đã trao đổi về việc đánh giá Nguy và Cơ của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua yếu tố cốt lõi đầu tiên đó là: công ty. Bên cạnh công ty thì sản phẩm và chính sách cũng là những yếu tố tiên quyết sự sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp.
Yếu tố thứ 2: sản phẩm
Kinh doanh không tạo nghiệp
Trong kinh doanh, yếu tố sản phẩm là rất quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Lựa chọn đúng sản phẩm để kinh doanh và lựa chọn được đúng chiến lược để phân phối sản phẩm đó ra thị trường là điều mà bất cứ ai khởi nghiệp cũng đều phải đắn đo suy nghĩ.
Đầu tiên, đó là câu hỏi về tính hữu ích của sản phẩm. Nếu đó là một sản phẩm không hữu ích thậm chí có hại, ví dụ như: kem trộn, rượu giả… thì việc kinh doanh này là không hợp pháp, và sự nghiệp của bạn càng thành công, bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn càng làm nhiều điều sai trái. Lúc này bạn không phải đang khởi nghiệp mà đang “tạo nghiệp” xấu và về lâu dài sẽ phải trả giá trước pháp luật, dư luận và lương tâm của mình.
Cân nhắc về thị trường
Mặt khác Quá trình lựa chọn sản phẩm kinh doanh gắn liền với việc cân nhắc thị trường để tiêu thụ, các đối tượng người dùng, và đối thủ cạnh tranh.
Dựa vào thị trường và sự cạnh tranh, có thể phân chia các sản phẩm, dịch vụ thành 2 loại đó là: sản phẩm mà thị trường của nó là thị trường chưa có ai phân phối, gọi là đại dương xanh, và loại thứ hai là sản phẩm mà thị trường đã có những đối thủ, gọi là sản phẩm cạnh tranh.
Đối với thị trường đại dương xanh thì mặt lợi ích của nó là cực kỳ rộng mở, vì chưa nhiều người biết đến hoặc chưa nhiều người dùng sản phẩm, hoặc có rất ít những đối thủ đang làm tốt trên thị trường, vì vậy cơ hội để một công ty tiếp cận khách hàng sẽ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, đối với thị trường đại dương xanh, trước khi kinh doanh ta cần đặt ra câu hỏi: tại sao thị trường vẫn còn rộng lớn như vậy? Người dân đối với mặt hàng hoặc dịch vụ này thực sự có nhu cầu hay không? Hay nếu nhu cầu quá thấp, thì nguyên nhân do đâu? Có thể nào khắc phục những nguyên nhân này hay không? Tiếp tục lấy ví dụ về thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay, đây vẫn được xem là thị trường đại dương xanh bởi vì chỉ có 11% người dân Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ, mà trong số này không phải ai đã mua bảo hiểm cũng hiểu rõ về bảo hiểm, rất nhiều người chỉ mua vì nể nang. Nhưng tại sao lại ít người mua như vậy, thực sự sản phẩm bảo hiểm có cần thiết hay không? Để đánh giá được như vậy ta cần so sánh với những thị trường khác, rõ ràng các nước như Mỹ và Châu Âu tỉ lệ tham gia bảo hiểm rất cao, và chúng ta đều là con người thì ai cũng đều có nhu cầu được bảo vệ? Vậy tại sao con số này thấp? Khi tìm hiểu nguyên nhân thì ta sẽ thấy sở dĩ tỉ lệ thấp vì người dân hiểu về bảo hiểm chưa nhiều, thậm chí họ hiểu lầm, hiểu sai rất nhiều. Hơn nữa là trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã khai thác thị trường sai cách, tạo ra điều tiếng không tốt cho ngành, chứ không phải là người dân không có nhu cầu. Khi đánh giá tất cả các khía cạnh trên, chúng ta có thể kết luận rằng, bảo hiểm là một sản phẩm tiềm năng, và Việt Nam có một lợi thế vàng so với các quốc gia khác, là thị trường bảo hiểm ở đây vẫn là một đại dương bao la đang chờ được khai thác.
Loại sản phẩm thứ hai đó là sản phẩm cạnh tranh. Sản phẩm cạnh tranh là sản phẩm đã có mặt lâu dài trong một khu vực thị trường nhất định, và có nhiều đối thủ đã thành công phân phối sản phẩm trên thị trường rồi. Do đó điều khiến một người kinh doanh loại sản phẩm này cần lưu ý không phải là nhu cầu của người dân đối với loại sản phẩm này, nhu cầu đó đã được các công ty khác chứng minh, mà câu hỏi cần đặt ra là là nhu cầu của người dân đối với chính xác sản phẩm mà bạn sẽ đưa đến tay họ; mặt hàng do chính bạn sản xuất hay phân phối có gì đặc biệt hơn những sản phẩm cùng chủng loại; hay là các dịch vụ hậu mãi, cách tiếp thị của bạn có gì đặc biệt hơn các đối thủ trên thị trường. Như chúng ta đã biết, kinh doanh mỹ phẩm là một ngành công nghiệp tỷ đô, ngày càng có nhiều người, kể cả nam lẫn nữ đều quan tâm hơn đến việc chăm sóc bản thân và vẻ ngoài của mình. Do đó các sản phẩm làm đẹp đủ các chủng loại được phân phối gần như mọi lúc mọi nơi, do đó thị trường cạnh tranh gay gắt, vậy đâu sẽ là lợi thế của bạn, hay sản phẩm mà bạn sẽ hợp tác phân phối?
Hiểu rõ về sản phẩm và thị trường thì mới có thể đưa ra hướng tiếp cận phù hợp đến người tiêu dùng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Tính chất sản phẩm
Một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng đó là cần xem xét các tính chất của sản phẩm. Ví dụ tính chất về công nghệ, vòng đời của sản phẩm, sản phẩm có kén người sử dụng không? Bởi vì tất cả những điều trên đều sẽ ảnh hưởng đến một yếu tố mà bất cứ người kinh doanh nào cũng lo ngại đó chính là: vấn đề tồn kho.
Một sản phẩm mang tính chất công nghệ cao, vòng đời ngắn, việc thay đổi công nghệ hoặc mẫu mã diễn ra nhanh và liên tục sẽ khiến cho các sản phẩm mà bạn đang sản xuất hoặc phân phối dễ dàng trở nên lỗi thời, lỗi mốt và nếu sản xuất hay nhập hàng nhiều mà bị lỗi thời không bán được thì chắc chắn là sẽ tồn kho, thua lỗ. Điều này cũng tương tự đối với yếu tố kén người sử dụng, nếu chỉ có một số ít những người có thể dùng, thì nếu vì một lý do nào đó, lượng khách hàng từ nhóm người trên bị giảm sút, sản phẩm coi như bỏ, không thể bán được cho ai.
Thứ 3 là về chính sách công ty
Khi đánh giá tính bền vững và khả năng tồn tại, phát triển của một công ty không thể không kể đến chính sách của công ty đó. Mà nói cụ thể hơn đó là chính sách phân chia lợi nhuận của công ty đó có công bằng hay không, cách công ty đó chi trả và sử dụng tiền bạc như thế nào.
Tại sao điều này lại quan trọng? hãy cùng phân tích.
Các công ty thường đi theo mô hình với các cấp độ sau:
Quản lý cấp cao → Quản lý cấp trung→ Nhân viên→ Khách hàng.
Trong đó người quản lý cấp cao có trách nhiệm quan sát, hoạch định chiến lược; người quản lý cấp trung có trách nhiệm hỗ trợ, giám sát và đốc thúc nhân viên; người nhân viên là người trực tiếp phục vụ khách hàng. Còn khách hàng sẽ là người mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và chi trả tiền để tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Như vậy mục đích quan trọng nhất của các cấp bậc nhân sự trong một doanh nghiệp là mỗi người, mỗi vị trí đều chuyên tâm làm tốt các vai trò của mình và hỗ trợ lẫn nhau, làm sao để hướng đến phục vụ khách hàng tốt nhất. Muốn làm được điều này thì việc chi trả lương, hoặc phân chia lợi ích cần phải công bằng, để bất cứ ai cũng hài lòng và yên tâm công tác. Điều này cũng loại trự sự ganh đua tỵ nạnh hoặc là bất hợp tác giữa các thành viên trong công ty. Điều này quyết định tính bền vững của một doanh nghiệp.
Vì vậy một mô hình công bằng, minh bạch và thành công cần đảm bảo được hai điều. Thứ nhất: giá trị sản phẩm và sự phụng sự khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai đó là: sự phục vụ phải đi từ trên xuống, và tiền đi từ dưới lên. Đây là một tư duy rất quan trọng trong kinh doanh. Những người có chức vụ cao không phải là người ngồi không hưởng lợi, đợi chờ nhân viên cấp dưới phục vụ mình mà họ chính là tấm gương của tinh thần phụng sự vì lợi ích chung. Sự phục vụ không có nghĩa là làm thay việc cho nhân viên, mà là hoàn thành tốt công việc tại vị trí của mình và có sự hỗ trợ kịp thời hiệu quả cho cấp dưới. Nếu người lãnh đạo có tinh thần này, và trong thực tiễn làm được như vậy thì không có lý do gì nhân viên không noi theo để phục vụ tốt khách hàng. Lúc này tiền (lợi nhuận) từ việc bán sản phẩm, hoặc phục vụ cho khách hàng sẽ được chi trả ngược lên trên cho các cấp bậc nhân sự. Đó chính tinh thần: sự phục vụ đi từ trên xuống và tiền đi từ dưới lên.
Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu một công ty không có chính sách hay mô hình phân chia lợi ích công bằng? Lúc này người ta có thể chi trả cho các cấp bậc quản lý cao cấp, và trung cấp rất nhiều tiền, còn nhân viên thì lại rất ít, vậy thì người nhân viên sẽ không đủ sống, không có động lực để làm việc và phục vụ khách hàng. Vậy thì chất lượng dịch vụ sẽ đi xuống, doanh số giảm và công ty sẽ lụi bại. Ngược lại nếu chi trả cho nhân viên quá nhiều, trong khi các vị trí cao hơn lại được hưởng ít, không xứng với công sức, thì những người này sẽ không muốn hỗ trợ cấp dưới, công việc sẽ bị trì trệ, không thể phát triển được.
Không chỉ vậy, có nhiều công ty thậm chí còn không đặt việc phục vụ khách hàng làm hàng đầu mà mục đích của họ chỉ là kiếm tiền. Và chính sách của họ là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Đây là biểu hiện của những mô hình lừa đảo (Ponzi)mà xã hội đang rất nhức nhối lên án. Phần phân tích về các mô hình này sẽ được chia sẻ tại một bài viết khác.
Như vậy ta thấy rằng, dù bất cứ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào, hay với mô hình nào cũng sẽ đều có 3 yếu tố kinh doanh bất biến đó là: Công Ty, Sản Phẩm và Chính Sách. Đây là những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và thành công của một doanh nghiệp, cũng như quyết định số phận đồng tiền và công sức của những người cùng tham gia hợp tác làm ăn. Vì thế hi vọng rằng bài phân tích sẽ trao thêm một góc nhìn cho độc giả về kiến thức kinh doanh cũng như giúp ích thêm phần nào cho những ai đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp hay đang có sự định hợp tác phân phối sản phẩm, hay góp vốn làm ăn với những người khác.
Admin Ánh Tuyết
Xem thêm