THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VIỆT NAM: THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI
- Thách thức của thị trường bảo hiểm Việt Nam
- Tìm hiểu nguyên nhân suy giảm của thị trường
- Phản ứng của Chính Phủ
- Các cơ hội của ngành bảo hiểm Việt Nam trong tương lai
Từ năm 2023, thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, đã trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn và thách thức. Đây là lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận sự suy giảm đáng kể, tác động không nhỏ đến doanh thu và niềm tin của khách hàng. Cụ thể số lượng hợp đồng khai thác mới đã giảm tới 43,8%; tổng doanh thu khai thác mới giảm 44,5%, đồng thời tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường giảm 11,6% so với năm trước đó 2022.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này
Vấn đề lớn nhất là niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều đại lý, tư vấn viên bảo hiểm đã bị phát hiện là không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc thậm chí là lừa dối khách hàng về các sản phẩm bảo hiểm để đạt doanh số. Bên cạnh đó nhiều vụ việc liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với sự tư vấn không rõ ràng, thậm chí ép buộc, đã khiến người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối và mất lòng tin. Thêm vào đó là việc các quy định pháp luật và công tác giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng chưa đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm một cách kịp thời. Tất cả những điều này đã dẫn đến nhiều tranh chấp, khiếu nại, những tranh luận tiêu cực, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ngành.
Bên cạnh đó, tình hình suy thoái kinh tế nói chung cũng tác động đến đời sống và sự sẵn lòng tham gia các sản phẩm bảo hiểm của người dân.
Ta thấy rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nghiêm trọng của thị trường bảo hiểm từ năm 2023 đến nay, nguyên nhân sâu xa có, nguyên nhân trực tiếp (do 1 vài sự kiện khủng hoảng truyền thông) cũng có, tuy nhiên một sự thật không thể phủ nhận đó là những vấn đề tiêu cực trong ngành bảo hiểm bấy lâu nay đã tích tụ đến mức đủ lớn để bùng nổ và tạo ra một sự khủng hoảng bắt buộc phải có sự thay đổi triệt để từ sự quản lý của Nhà Nước đến cách thức hoạt động, quản lý của các doanh nghiệp bảo hiểm, và hoạt động tư vấn, hỗ trợ dàn xếp giao kết của các đại lý và tư vấn viên.
Niềm tin khách hàng bị giảm sút
Phản Ứng và Giải Pháp Từ Chính Phủ
Trước tình hình suy giảm nghiêm trọng, Chính phủ Việt Nam đã triển khai một loạt các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này:
1. Ban Hành Thông Tư 67/2023/TT-BTC
Một trong những biện pháp quan trọng nhất là việc ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC bởi Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 2 tháng 11 năm 2023. Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP, nhằm tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm.
Giám sát và kiểm tra định kỳ
Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc giám sát và kiểm tra định kỳ để đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý. Điều này giúp đảm bảo rằng nhân viên đại lý đang hoạt động theo các tiêu chuẩn chất lượng và đạo đức nghề nghiệp.
Xử lý khiếu nại và vi phạm
Doanh nghiệp bảo hiểm cần phối hợp kịp thời với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát và xử lý các khiếu nại từ bên mua bảo hiểm liên quan đến việc tư vấn của nhân viên đại lý. Ngoài ra, họ cũng cần xử lý các vi phạm nếu có, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn.
Hạn chế tư vấn từ tổ chức tín dụng đặc biệt là kênh ngân hàng Bancassurance
-
- Thông tư số 67 cũng bổ sung quy định rằng các tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán hoặc thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời gian trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Điều này nhằm đảm bảo rằng quyền lợi và lợi ích của khách hàng được bảo vệ một cách toàn diện và chủ động khi tham gia bancasurance.
- Thông tin sản phẩm bảo hiểm: Các ngân hàng hoạt động đại lý phải cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng về các sản phẩm bảo hiểm mà họ phân phối thông qua tổ chức tín dụng. Điều này giúp khách hàng hiểu rõ về tính chất, phạm vi bảo hiểm, các điều khoản và điều kiện của sản phẩm.
- Không phải sản phẩm của tổ chức tín dụng: Cần phải rõ ràng cho khách hàng biết rằng các sản phẩm bảo hiểm được giới thiệu không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng. Điều này giúp người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc và tính độc lập của sản phẩm.
- Tính tự nguyện trong việc tham gia: Các ngân hàng phải cam kết rằng việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ hoặc sản phẩm khác của tổ chức tín dụng. Điều này đảm bảo tính tự nguyện và lựa chọn của khách hàng khi tham gia sản phẩm bảo hiểm.
Quy Định Về Ghi Âm Tư Vấn: Đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, thông tư yêu cầu phải ghi âm nội dung tư vấn nhằm đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn các hành vi tư vấn sai lệch.
2. Tăng Cường Đào Tạo và Giám Sát
- Các chương trình đào tạo liên tục và chuyên sâu dành cho đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm được đẩy mạnh. Đồng thời, các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm trong tư vấn bảo hiểm được thực hiện nghiêm ngặt hơn.
3. Cải Tiến Quy Trình Bồi Thường
- Các doanh nghiệp bảo hiểm được yêu cầu cải tiến quy trình bồi thường, đảm bảo tính minh bạch và đơn giản hóa thủ tục để khách hàng dễ dàng tiếp cận và nhận bồi thường khi có sự cố xảy ra.
Quy định về ghi âm ghi hình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm
Cơ Hội Của Thị Trường Bảo Hiểm Việt Nam Trong Tương Lai
Mặc dù thị trường đang trong tình trạng suy thoái và còn rất nhiều khó khăn trước mắt cần phải vượt qua nhưng đúng như câu nói: “Trong nguy có cơ”, đây cũng chính là thời điểm mang lại nhiều cơ hội cho những ai biết nắm bắt.
1. Cơ hội để thay đổi triệt để, xây dựng một thị trường lành mạnh và bền vững.
Những tích lũy từ các vấn đề tiêu cực trong ngành bảo hiểm suốt thời gian dài nay đã bùng nổ, đây là khủng hoảng nhưng cũng là cơ hội để có một sự “đại phẫu” toàn ngành bảo hiểm. Những đối tượng làm ăn chộp giật, gian dối sẽ từng bước bị thanh lọc khỏi thị trường, ngược lại những doanh nghiệp nào, tổ chức nào, đại lý nào xây dựng cho mình một tầm nhìn đúng đắn, quy trình làm việc minh bạch, trung thực sẽ có điều kiện để tạo dựng niềm tin của khách hàng và phát triển mạnh trong tương lai khi kinh tế được phục hồi và thị trường bảo hiểm được quản lý chặt chẽ hơn.
2. Bảo hiểm vẫn là ngành vô cùng tiềm năng.
Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 11% (số liệu năm 2021) đây là một tỉ lệ rất thấp nếu so với những quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản là trên 90% và trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia 75% và Singapore là 80%. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam đang còn vô cùng sơ khởi và là thị trường “đại dương xanh” với tiềm năng khai thác vô cùng lớn.
Thêm vào đó là trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, ý thức bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các rủi ro của người dân cũng tăng lên nên sự hiểu biết về tầm quan trọng của bảo hiểm ngày càng được cải thiện. Chỉ có điều niềm tin của người dân vào các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý và tư vấn viên là đang bị giảm sút. Chỉ cần khắc phục được điều này, chắc chắn thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.
3. Triển vọng ứng dụng công nghệ trong nhiều hoạt động liên quan đến bảo hiểm.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành bảo hiểm (InsurTech) mang lại nhiều triển vọng cho ngành bảo hiểm như:
- Nâng cao trải nghiệm khách hàng: từ việc tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm, tìm hiểu thông tin, lựa chọn sản phẩm, quy trình giao kết và xử lý bồi thường nếu được diễn ra minh bạch và mượt mà thông qua internet và các ứng dụng thông minh thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian, tạo sự thuận tiện rất lớn cho người dân trong việc mua và sử dụng các dịch vụ bảo hiểm.
- Các nền tảng phân phối bảo hiểm online và các giải pháp marketing online tập trung là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận sâu rộng đến nhiều đối tượng khách hàng, nhất là khi tốc độ phát triển của internet và việc sử dụng các ứng dụng di động để mua sắm của người dân Việt Nam là vô cùng nhanh chóng, luôn lọt top đầu thế giới.
- Việc ứng dụng các công nghệ mới vào quản trị trong lĩnh vực bảo hiểm như: Big Data, trí tuệ nhân tạo AI, cộng nghệ Blockchain... sẽ tạo cơ hội lớn để các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức đại lý có tiềm lực hiểu hơn về hành vi khách hàng, tối ưu hóa chi phí, và nâng cao tính minh bạch trong hệ thống quản trị nói chung và lưu trữ dữ liệu nói riêng...
Công nghệ sẽ thay đổi toàn diện ngành bảo hiểm
Trên đây là những phân tích của B-Alpha về thực trạng khó khăn thách thức hiện tại, những sự tăng cường, cải tổ về quản lý thị trường bảo hiểm của Chính Phủ và những cơ hội của ngành bảo hiểm trong tương lai. Hi vọng những thông tin này sẽ mang lại cho quý độc giả cái nhìn sâu sắc, đa chiều và khách quan hơn đối với ngành bảo hiểm Việt Nam hiện nay.
Admin Ánh Tuyết.
Xem thêm