×

Thông báo

Cài đặt ngay ứng dụng eBiznet để nhận Data Khách hàng, quản lý Khách hàng, nhận thông báo Hệ thống...
Xem hướng dấn sử dụng và cài đặt App eBiznet Tại đây .

Kiến thức Kinh doanh

Kiến thức Kinh doanh (3)

BẢO HIỂM VÀ CHU KỲ KINH TẾ

Thứ sáu, 06 Tháng 1 2023 13:37

Quy luật tuần hoàn có thể xem là một trong những quy luật quan trọng nhất trong cuộc sống. Tuần hoàn là những sự vận động tăng và giảm mang tính lặp đi lặp lại, có thể tiếp diễn bất tận. Mỗi năm có 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cuộc đời con người cũng phải trải qua Sinh – (Lão – Bệnh )– Tử. Vậy còn trong kinh doanh thì sao? Quy luật tuần hoàn này thể hiện như thế nào? Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ đó để giúp ích cho công việc và cuộc sống của mình? Nhân dịp đầu năm mới, khi đất trời trở mình đón mùa xuân, chúng ta hãy cùng bàn về quy luật tuần hoàn được thể hiện trong các chu kỳ kinh tế, và ngành bảo hiểm của chúng ta ở đâu trong những sự vận động biến đổi đó. Hi vọng những chia sẻ dưới đây sẽ mang đến cho các độc giả thêm một góc nhìn trong dự đoán về triển vọng của năm mới mà chúng ta đều sẽ tự có cho bản thân mình.

Chu kỳ kinh tế

Chu kỳ kinh tế tiếng Anh là Economic Cycle hay còn gọi là chu kỳ kinh doanh Business Cycle. Dưới góc độ vĩ mô, chu kỳ kinh tế thường được đo bằng chỉ số GDP. Tuy nhiên không chỉ có GDP mà các số liệu về năng lực sản xuất công nghiệp, việc làm, thu nhập, sức mua và lạm phát, lãi suất và đầu tư... cũng vô cùng quan trọng trong việc đánh giá toàn diện các giai đoạn của một chu kỳ kinh tế.

Bên cạnh đó, ở phạm vi doanh nghiệp, chu kỳ kinh doanh đề cập đến các giai đoạn hình thành, phát triển và suy thoái của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến khái niệm chu kỳ về mặt vĩ mô của cả nền kinh tế và biểu hiện của một số ngành nổi bật trong chu kỳ đó.

Có 4 giai đoạn của 1 chu kỳ kinh tế và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lần lượt!

Giai đoạn thứ I – Mùa xuân

Trong tiếng Anh, chu kỳ này được gọi là giai đoạn Phục Hồi sau khi đã trải qua suy thoái, giống như mùa xuân của chúng ta sau một mùa đông dài lạnh lẽo và u buồn.

Đây là giai đoạn nền kinh tế hồi phục dần dần sau những tổn hại từ khủng hoảng. Trong giai đoạn trước đó, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp, công cụ để nhằm giải quyết khủng hoảng và đây chính là lúc những nỗ lực của chính phủ phát huy tác dụng rõ rệt, có thể nhìn thấy và đo lường được. Sự kỳ vọng của người dân bắt đầu tăng trở lại, sức mua tăng, sản xuất công nghiệp tăng và lãi suất giảm. Nền kinh tế bắt đầu ổn định, sau đó mở rộng và tăng trưởng trở lại.

Trong giai đoạn này, các lĩnh vực có sự phát triển nổi bật hoặc thu hút đầu tư đó là:

  • Các ngành công nghiệp sản xuất;
  • Các ngành vật liệu chế tạo;
  • Công nghệ
  • Tài chính
  • Sản phẩm không thiết yếu.

Nhờ vào mức lãi suất thấp, người ta có thể tăng việc vay tiền (tài chính) để đầu tư hoặc chi tiêu vào các mặt hàng ít thiết yếu hơn. Khi kỳ vọng tăng, sức mua tăng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của lĩnh vực công nghệ, công nghiệp. Và nhờ vào sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, ngành vật liệu chế tạo, sản xuất từ đó cũng phục hồi và tăng trưởng theo.

Bảo hiểm thuộc vào nhóm ngành tài chính do đó, giai đoạn phục hồi này cũng được xem là thời gian mà ngành bảo hiểm sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chung đi lên trong thu nhập của người dân và của cả nền kinh tế

 

Giai đoạn thứ II – Mùa Hạ (Mở rộng)

Giai đoạn này được gọi là giai đoạn phát triển/mở rộng. Nhờ vào đà phục hồi từ giai đoạn trước, niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố, nguồn tiền rót vào các lĩnh vực kinh tế nhiều hơn, các doanh nghiệp tư nhân cũng muốn mở rộng. Để thực hiện điều này, họ tham gia vào các khoản vay ngắn hạn, nhu cầu tiền mặt cao thì lãi suất cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn vì các ngân hàng và tổ chức tín dụng muốn nắm bắt cơ hội sinh lời này. Đồng thời sản xuất kinh doanh được mở rộng cũng gia tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó kích thích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Gía cả hàng hóa cũng sẽ tăng lên do các công ty muốn bổ sung thêm hàng vào kho để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Nền kinh tế phát triển nhanh chóng cho đến khi đạt đến đỉnh cao.

Đây là giai đoạn dài nhất và tuyệt vời nhất trong một chu kỳ, giá mà chúng ta luôn được sống mãi như vậy!

Các lĩnh vực hoạt động tốt trong giai đoạn này đó là:

  • Công nghệ
  • Hàng hóa thiết yếu
  • Năng lượng

Trong lịch sử, ta thấy được lĩnh vực công nghệ là lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong giai đoạn Mở rộng này. Khi kinh tế đang lên, những công ty trong một ngành cạnh tranh liên tục để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của họ, muốn đạt được điều này định phải có sự đầu tư mạnh tay vào công nghệ. Bên cạnh đó các ngành sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và năng lượng cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc.

Đối với tiêu dùng cá nhân, về nhu cầu hàng hóa dịch vụ cũng sẽ được gia tăng. Các dịch vụ về tài chính, bảo hiểm cũng đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian này.

 

Giai đoạn thứ III – Mùa Thu (Đỉnh cao và Suy giảm)

Khi nền kinh tế đạt đến đỉnh cao nhất thì không có kịch bản nào khác ngoài việc nó sẽ đi xuống. Lãi suất bắt đầu tăng nhanh, giá cả hàng hóa và dịch vụ do đó cũng tăng theo nhanh hơn. Khi nguồn cung tiền giảm xuống, khi không còn thoải mái vay với lãi suất thấp nữa thì chắc chắn chi tiêu sẽ giảm.

Các lĩnh vực hoạt động tốt trong thời kỳ này đó là:

  • Năng lượng
  • Vật liệu
  • Hàng hóa thiết yếu
  • Ngành tiện ích thiết yếu (điện, nước, khí đốt...)
  • Chăm sóc sức khỏe

Khi chu kỳ của nền kinh tế lên đến đỉnh cao, các ngành năng lượng và vật liệu nhìn chung vẫn sẽ hoạt động tốt do sản xuất và nhu cầu tiêu dùng vẫn còn tăng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, các mặt hàng và tiện ích thiết yếu thì sẽ tăng trưởng vì không ai có thể sống tốt nếu thiếu những sản phẩm và dịch vụ cơ bản này. Khi nền kinh tế đang ở đỉnh cao, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cũng tăng.

 

Giai đoạn thứ IV – Mùa đông (Suy thoái)

Đây là giai đoạn cuối trong một chu kỳ kinh tế, nhẹ thì chúng ta gọi là suy thoái, nặng hơn thì là khủng hoảng. Đây là lúc tỉ lệ thất nghiệp tăng, lãi suất tăng vọt, thu nhập chung giảm, tỉ lệ phá sản tăng và nền kinh tế lâm vào suy yếu.

Lúc này thì người ta chỉ ưu tiên vào các mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ tiện ích thiết yếu nhất cần phải có trong cuộc sống. Mọi người cũng dần có những lựa chọn mang tính phòng vệ hơn, họ tiếp tục tập trung vào sức khỏe thay vì những dịch vụ xa xỉ. Nếu buộc cắt giảm chi phí, thì làm việc, liên lạc từ xa sẽ là một giải pháp rất tốt, từ đó ngành viễn thông cũng có điều kiện phát triển trong thời kỳ này.

Một góc nhìn khác về bảo hiểm

Chúng ta thấy trong chu kỳ kinh tế, bảo hiểm được nhìn nhận là một ngành tài chính do đó nó sẽ được hưởng lợi và phát triển mạnh vào những giai đoạn như mùa xuân, mùa hạ của chu kỳ, đó là giai đoạn của phục hồi, tăng trưởng và phát triển. Còn tại giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập trở nên eo hẹp thì người ta sẽ không mặn mà với đầu tư tài chính hay bảo hiểm. Có thể nhìn thấy rõ điều này tại Việt Nam năm 2022, khi kinh tế trở nên khó khăn thì mức tăng trưởng của ngành bảo hiểm cũng giảm.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một góc độ khác, gần với ý nghĩa của bảo hiểm hơn ta sẽ thấy, bảo hiểm sinh ra là để bảo vệ tài chính của con người trước những rủi ro bất trắc trong cuộc sống. Vậy thì những khi khó khăn, hoạn nạn, thất nghiệp mới là lúc tình hình tài chính của bạn đứng trước rủi ro nhiều nhất, dẫn đến những rủi ro khác như: ốm đau, tai nạn không thể điều trị tới nơi tới chốn, người thân không được chăm sóc nếu lao động chính gặp bất trắc. Chính lúc này là lúc bạn cần đến bảo hiểm nhất. Do đó, nếu được nhìn nhận đúng đắn, bảo hiểm chính là một trong những sản phẩm dịch vụ thiết yếu nhất của cuộc sống, cần được trang bị ở mọi thời điểm trong cuộc đời và càng sớm thì càng tốt. Vì thế khi kinh tế đi lên người dân nên mua bảo hiểm, khi kinh tế đi xuống, ai chưa có bảo hiểm lại càng cần phải trang bị ngay. Đây chính là ý nghĩa đích thực của sản phẩm bảo hiểm mà không phải ai cũng hiểu rõ.

Chính vì thế mà việc “thay đổi góc nhìn của người dân về bảo hiểm” là sứ mạng hàng đầu mà B-Alpha theo đuổi.

Trên đây là những chia sẻ về quy luật tuần hoàn qua các giai đoạn phát triển của chu kỳ kinh tế, cùng một số nhận định về ngành bảo hiểm trong tiến trình vận động thay đổi đó. Hi vọng những chia sẻ này sẽ cung cấp cho các độc giả, nhất là các tư vấn viên, đại lý bảo hiểm thêm một góc nhìn về bức tranh tổng thể của nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng để có niềm tin và chiến lược phát triển phù hợp với mình.

 
Tác giả
Quy luật tuần hoàn có thể xem là một trong những quy luật quan trọng nhất trong cuộc sống. Tuần hoàn là những sự vận động tăng và giảm mang tính lặp đi lặp lại, có thể tiếp diễn bất tận. Mỗi năm có 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cuộc đời con người cũng phải trải qua Sinh – (Lão – Bệnh )– Tử. Vậy còn ...
Viết bởi
Quy luật tuần hoàn có thể xem là một trong những quy luật quan trọng nhất trong cuộc sống. Tuần hoàn là những sự vận động tăng và giảm mang tính lặp đi lặp lại, có thể tiếp diễn bất tận. Mỗi năm có 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cuộc đời con người cũng phải trải qua Sinh – (Lão – Bệnh )– Tử. Vậy còn ...

ĐÁNH GIÁ NGUY VÀ CƠ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP (Kỳ 2)

Thứ bảy, 10 Tháng 12 2022 14:57

Trong kỳ trước chúng ta đã trao đổi về việc đánh giá Nguy và Cơ của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua yếu tố cốt lõi đầu tiên đó là: công ty. Bên cạnh công ty thì sản phẩm và chính sách cũng là những yếu tố tiên quyết sự sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp.

Yếu tố thứ 2: sản phẩm

Kinh doanh không tạo nghiệp

Trong kinh doanh, yếu tố sản phẩm là rất quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Lựa chọn đúng sản phẩm để kinh doanh và lựa chọn được đúng chiến lược để phân phối sản phẩm đó ra thị trường là điều mà bất cứ ai khởi nghiệp cũng đều phải đắn đo suy nghĩ.

Đầu tiên, đó là câu hỏi về tính hữu ích của sản phẩm. Nếu đó là một sản phẩm không hữu ích thậm chí có hại, ví dụ như: kem trộn, rượu giả… thì việc kinh doanh này là không hợp pháp, và sự nghiệp của bạn càng thành công, bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn càng làm nhiều điều sai trái. Lúc này bạn không phải đang khởi nghiệp mà đang “tạo nghiệp” xấu và về lâu dài sẽ phải trả giá trước pháp luật, dư luận và lương tâm của mình.

Cân nhắc về thị trường

Mặt khác Quá trình lựa chọn sản phẩm kinh doanh gắn liền với việc cân nhắc thị trường để tiêu thụ, các đối tượng người dùng, và đối thủ cạnh tranh.

Dựa vào thị trường và sự cạnh tranh, có thể phân chia các sản phẩm, dịch vụ thành 2 loại đó là: sản phẩm mà thị trường của nó là thị trường chưa có ai phân phối, gọi là đại dương xanh, và loại thứ hai là sản phẩm mà thị trường đã có những đối thủ, gọi là sản phẩm cạnh tranh.

Đối với thị trường đại dương xanh thì mặt lợi ích của nó là cực kỳ rộng mở, vì chưa nhiều người biết đến hoặc chưa nhiều người dùng sản phẩm, hoặc có rất ít những đối thủ đang làm tốt trên thị trường, vì vậy cơ hội để một công ty tiếp cận khách hàng sẽ được nâng cao hơn. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, đối với thị trường đại dương xanh, trước khi kinh doanh ta cần đặt ra câu hỏi: tại sao thị trường vẫn còn rộng lớn như vậy? Người dân đối với mặt hàng hoặc dịch vụ này thực sự có nhu cầu hay không? Hay nếu nhu cầu quá thấp, thì nguyên nhân do đâu? Có thể nào khắc phục những nguyên nhân này hay không? Tiếp tục lấy ví dụ về thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay, đây vẫn được xem là thị trường đại dương xanh bởi vì chỉ có 11% người dân Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ, mà trong số này không phải ai đã mua bảo hiểm cũng hiểu rõ về bảo hiểm, rất nhiều người chỉ mua vì nể nang. Nhưng tại sao lại ít người mua như vậy, thực sự sản phẩm bảo hiểm có cần thiết hay không? Để đánh giá được như vậy ta cần so sánh với những thị trường khác, rõ ràng các nước như Mỹ và Châu Âu tỉ lệ tham gia bảo hiểm rất cao, và chúng ta đều là con người thì ai cũng đều có nhu cầu được bảo vệ? Vậy tại sao con số này thấp? Khi tìm hiểu nguyên nhân thì ta sẽ thấy sở dĩ tỉ lệ thấp vì người dân hiểu về bảo hiểm chưa nhiều, thậm chí họ hiểu lầm, hiểu sai rất nhiều. Hơn nữa là trong suốt quá trình hoạt động tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã khai thác thị trường sai cách, tạo ra điều tiếng không tốt cho ngành, chứ không phải là người dân không có nhu cầu. Khi đánh giá tất cả các khía cạnh trên, chúng ta có thể kết luận rằng, bảo hiểm là một sản phẩm tiềm năng, và Việt Nam có một lợi thế vàng so với các quốc gia khác, là thị trường bảo hiểm ở đây vẫn là một đại dương bao la đang chờ được khai thác.

Loại sản phẩm thứ hai đó là sản phẩm cạnh tranh. Sản phẩm cạnh tranh là sản phẩm đã có mặt lâu dài trong một khu vực thị trường nhất định, và có nhiều đối thủ đã thành công phân phối sản phẩm trên thị trường rồi. Do đó điều khiến một người kinh doanh loại sản phẩm này cần lưu ý không phải là nhu cầu của người dân đối với loại sản phẩm này, nhu cầu đó đã được các công ty khác chứng minh, mà câu hỏi cần đặt ra là là nhu cầu của người dân đối với chính xác sản phẩm mà bạn sẽ đưa đến tay họ; mặt hàng do chính bạn sản xuất hay phân phối có gì đặc biệt hơn những sản phẩm cùng chủng loại; hay là các dịch vụ hậu mãi, cách tiếp thị của bạn có gì đặc biệt hơn các đối thủ trên thị trường. Như chúng ta đã biết, kinh doanh mỹ phẩm là một ngành công nghiệp tỷ đô, ngày càng có nhiều người, kể cả nam lẫn nữ đều quan tâm hơn đến việc chăm sóc bản thân và vẻ ngoài của mình. Do đó các sản phẩm làm đẹp đủ các chủng loại được phân phối gần như mọi lúc mọi nơi, do đó thị trường cạnh tranh gay gắt, vậy đâu sẽ là lợi thế của bạn, hay sản phẩm mà bạn sẽ hợp tác phân phối?

Hiểu rõ về sản phẩm và thị trường thì mới có thể đưa ra hướng tiếp cận phù hợp đến người tiêu dùng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Tính chất sản phẩm

Một khía cạnh khác cũng không kém phần quan trọng đó là cần xem xét các tính chất của sản phẩm. Ví dụ tính chất về công nghệ, vòng đời của sản phẩm, sản phẩm có kén người sử dụng không? Bởi vì tất cả những điều trên đều sẽ ảnh hưởng đến một yếu tố mà bất cứ người kinh doanh nào cũng lo ngại đó chính là: vấn đề tồn kho.

Một sản phẩm mang tính chất công nghệ cao, vòng đời ngắn, việc thay đổi công nghệ hoặc mẫu mã diễn ra nhanh và liên tục sẽ khiến cho các sản phẩm mà bạn đang sản xuất hoặc phân phối dễ dàng trở nên lỗi thời, lỗi mốt và nếu sản xuất hay nhập hàng nhiều mà bị lỗi thời không bán được thì chắc chắn là sẽ tồn kho, thua lỗ. Điều này cũng tương tự đối với yếu tố kén người sử dụng, nếu chỉ có một số ít những người có thể dùng, thì nếu vì một lý do nào đó, lượng khách hàng từ nhóm người trên bị giảm sút, sản phẩm coi như bỏ, không thể bán được cho ai.

Thứ 3 là về chính sách công ty

Khi đánh giá tính bền vững và khả năng tồn tại, phát triển của một công ty không thể không kể đến chính sách của công ty đó. Mà nói cụ thể hơn đó là chính sách phân chia lợi nhuận của công ty đó có công bằng hay không, cách công ty đó chi trả và sử dụng tiền bạc như thế nào.

Tại sao điều này lại quan trọng? hãy cùng phân tích.

Các công ty thường đi theo mô hình với các cấp độ sau:

Quản lý cấp cao → Quản lý cấp trung→ Nhân viên→ Khách hàng.

Trong đó người quản lý cấp cao có trách nhiệm quan sát, hoạch định chiến lược; người quản lý cấp trung có trách nhiệm hỗ trợ, giám sát và đốc thúc nhân viên; người nhân viên là người trực tiếp phục vụ khách hàng. Còn khách hàng sẽ là người mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ và chi trả tiền để tạo ra doanh thu và lợi nhuận cho công ty. Như vậy mục đích quan trọng nhất của các cấp bậc nhân sự trong một doanh nghiệp là mỗi người, mỗi vị trí đều chuyên tâm làm tốt các vai trò của mình và hỗ trợ lẫn nhau, làm sao để hướng đến phục vụ khách hàng tốt nhất. Muốn làm được điều này thì việc chi trả lương, hoặc phân chia lợi ích cần phải công bằng, để bất cứ ai cũng hài lòng và yên tâm công tác. Điều này cũng loại trự sự ganh đua tỵ nạnh hoặc là bất hợp tác giữa các thành viên trong công ty. Điều này quyết định tính bền vững của một doanh nghiệp.

Vì vậy một mô hình công bằng, minh bạch và thành công cần đảm bảo được hai điều. Thứ nhất: giá trị sản phẩm và sự phụng sự khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai đó là: sự phục vụ phải đi từ trên xuống, và tiền đi từ dưới lên. Đây là một tư duy rất quan trọng trong kinh doanh. Những người có chức vụ cao không phải là người ngồi không hưởng lợi, đợi chờ nhân viên cấp dưới phục vụ mình mà họ chính là tấm gương của tinh thần phụng sự vì lợi ích chung. Sự phục vụ không có nghĩa là làm thay việc cho nhân viên, mà là hoàn thành tốt công việc tại vị trí của mình và có sự hỗ trợ kịp thời hiệu quả cho cấp dưới. Nếu người lãnh đạo có tinh thần này, và trong thực tiễn làm được như vậy thì không có lý do gì nhân viên không noi theo để phục vụ tốt khách hàng. Lúc này tiền (lợi nhuận) từ việc bán sản phẩm, hoặc phục vụ cho khách hàng sẽ được chi trả ngược lên trên cho các cấp bậc nhân sự. Đó chính tinh thần: sự phục vụ đi từ trên xuống và tiền đi từ dưới lên.

Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu một công ty không có chính sách hay mô hình phân chia lợi ích công bằng? Lúc này người ta có thể chi trả cho các cấp bậc quản lý cao cấp, và trung cấp rất nhiều tiền, còn nhân viên thì lại rất ít, vậy thì người nhân viên sẽ không đủ sống, không có động lực để làm việc và phục vụ khách hàng. Vậy thì chất lượng dịch vụ sẽ đi xuống, doanh số giảm và công ty sẽ lụi bại. Ngược lại nếu chi trả cho nhân viên quá nhiều, trong khi các vị trí cao hơn lại được hưởng ít, không xứng với công sức, thì những người này sẽ không muốn hỗ trợ cấp dưới, công việc sẽ bị trì trệ, không thể phát triển được.

Không chỉ vậy, có nhiều công ty thậm chí còn không đặt việc phục vụ khách hàng làm hàng đầu mà mục đích của họ chỉ là kiếm tiền. Và chính sách của họ là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Đây là biểu hiện của những mô hình lừa đảo (Ponzi)mà xã hội đang rất nhức nhối lên án. Phần phân tích về các mô hình này sẽ được chia sẻ tại một bài viết khác.

Như vậy ta thấy rằng, dù bất cứ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào, hay với mô hình nào cũng sẽ đều có 3 yếu tố kinh doanh bất biến đó là: Công Ty, Sản Phẩm và Chính Sách. Đây là những yếu tố quyết định đến sự tồn tại và thành công của một doanh nghiệp, cũng như quyết định số phận đồng tiền và công sức của những người cùng tham gia hợp tác làm ăn. Vì thế hi vọng rằng bài phân tích sẽ trao thêm một góc nhìn cho độc giả về kiến thức kinh doanh cũng như giúp ích thêm phần nào cho những ai đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp hay đang có sự định hợp tác phân phối sản phẩm, hay góp vốn làm ăn với những người khác.

 
Tác giả
Trong kỳ trước chúng ta đã trao đổi về việc đánh giá Nguy và Cơ của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua yếu tố cốt lõi đầu tiên đó là: công ty. Bên cạnh công ty thì sản phẩm và chính sách cũng là những yếu tố tiên quyết sự sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Yếu tố thứ 2: sản phẩm Ki ...
Viết bởi
Trong kỳ trước chúng ta đã trao đổi về việc đánh giá Nguy và Cơ của các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua yếu tố cốt lõi đầu tiên đó là: công ty. Bên cạnh công ty thì sản phẩm và chính sách cũng là những yếu tố tiên quyết sự sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Yếu tố thứ 2: sản phẩm Ki ...

ĐÁNH GIÁ NGUY VÀ CƠ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP (Kỳ 1)

Thứ bảy, 10 Tháng 12 2022 14:39

Khởi nghiệp là một từ khóa tìm kiếm hàng đầu trong suốt nhiều năm trở lại đây và dần dần đã trở thành một xu hướng lớn và là động lực phát triển mới của nền kinh tế. Ngày càng nhiều người mong muốn xây dựng một sự nghiệp kinh doanh của riêng mình vì vậy nhiều công ty với những mô hình kinh doanh khác nhau cũng ra đời. Và mặc dù chỉ có 5% doanh nghiệp khởi nghiệp sống sót sau 2 năm, đây vẫn là xu thế hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia, bởi số liệu cho thấy cứ 45 doanh nghiệp phá sản thì lại có 55 doanh nghiệp mới được thành lập. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này là hết sức bình thường. Những người muốn khởi nghiệp luôn có ước mơ làm chủ và dám tạo ra cuộc chơi. Nhưng khởi nghiệp còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố như tầm nhìn, kiến thức, năng lực phân tích, quản lý… và dù thành công hay thất bại thì họ cũng đều học hỏi được những bài học giá trị. Kinh doanh luôn tìm ẩn Nguy và Cơ, vậy thì kinh doanh là gì, và có cách nào để đánh gia nguy và cơ của một doanh nghiệp?

Kinh doanh theo nghĩa thường được hiểu là buôn bán, nhưng nó không đơn thuần chỉ có hoạt động buôn bán mà có thể bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau: từ quá trình đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng các dịch vụ trên thị trường nhằm tạo ra lợi nhuận. Một số người thực hiện việc kinh doanh bằng cách tiến hành toàn bộ tất cả các hoạt động trên, một số lại chỉ thực hiện một vài hoạt động hoặc chỉ tập trung vào một hoạt động duy nhất, như chỉ sản xuất, hoặc chỉ phân phối, hoặc chỉ tiếp thị sản phẩm.

Bài viết này không nói về tất cả các hoạt động kinh doanh mà khai thác khía cạnh đó là các cá nhân, doanh nghiệp chỉ tập trung vào một hoạt động trong toàn bộ quá trình nói trên. Bởi vì chỉ tham gia vào một khâu của toàn bộ quá trình, và thường là sẽ hợp tác với những đối tác, công ty khác do đó không phải cá nhân nào cũng có thể có cái nhìn tổng thể và có thể phân tích những yếu tố quan trọng của công ty mình hợp tác, hay sản phẩm mình kinh doanh, hay đối tác mà mình dự định góp vốn làm ăn. Tùy theo tiêu chí mà các mô hình kinh doanh được phân ra làm rất nhiều loại khác nhau, mỗi loại hình lại có những công ty với phương thức hoạt động kinh doanh cụ thể riêng biệt, tuy nhiên bài viết sẽ cố gắng tập trung vào những giá trị bất biến mà bất cứ doanh nghiệp làm ăn tử tế và thành công nào cũng phải xây dựng, để góp thêm một góc nhìn tham khảo cho những độc giả quan tâm đến khởi nghiệp hoặc ai có dự định tự khởi nghiệp hoặc cộng tác, góp vốn khởi nghiệp trong tương lai

3 yếu tố cốt lõi bất biến của một doanh nghiệp

Bất cứ doanh nghiệp nào muốn vận hành tốt và thành công cũng đều phải xây dựng được 3 yếu tố đó là: Công ty, sản phẩm và chính sách.

Thứ nhất là về công ty

Khi xem xét một công ty ta cần phải hiểu toàn diện về các yếu tố như lịch sử, người lãnh đạo, tính pháp lý, tầm nhìn, sứ mạng, các giải pháp mà công ty đề ra và khả năng thực thi của các giải pháp đó.

Đối với những công ty có bề dày lịch sử thì việc hợp tác với họ trở nên được đảm bảo và an tâm hơn rất nhiều bởi vì lịch sử là dữ kiện thực tế giúp ta có thể so sánh những điều họ nói và những điều họ làm, cách thức hoạt động, đạo đức và thành công của họ được chứng minh theo thời gian.

 

Vậy còn đối với những công ty mới thành lập, lịch sử chưa có gì nhiều thì làm thế nào? Lúc này chúng ta cần phải xem xét đến các yếu tố khác như yếu tố con người, ban sáng lập, các yếu tố pháp lý, tầm nhìn… đã được nêu bên trên.

Trong khởi nghiệp thì “khởi” là khởi sự, là khởi nguồn, còn “nghiệp” là sự nghiệp. Vậy khởi nguồn của mọi sự nghiệp thì bắt đầu từ đâu? Đó là bắt đầu từ một hoặc một số rất ít cá nhân, gọi là người sáng lập. Người sáng lập là người đầu tiên có sự khởi phát trong suy nghĩ về việc tạo lập sự nghiệp kinh doanh, là người đặt nền móng, là đầu tàu định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, năng lực, phẩm chất, trí tuệ của người lãnh đạo rất quan trọng. Tầm nhìn của người sáng lập cũng sẽ là tầm nhìn của doanh nghiệp. Vì thế ta cần biết rõ tầm nhìn của người sáng lập là gì và họ có làm đúng hay có khả năng để thực hiện tầm nhìn đó hay không? Nếu một người lãnh đạo hay một doanh nghiệp không thể phát biểu tầm nhìn của mình một cách rõ ràng, hoặc không phổ biến tầm nhìn đó ra cho tất cả mọi người biết thì chúng ta có quyền nghi ngờ về mục đích của doanh nghiệp này. Mục đích của kinh doanh là để tạo ra lợi nhuận. Nếu hiểu đơn giản có nghĩa là đi kiếm tiền, tuy nhiên kinh doanh không đơn thuần chỉ là đi kiếm tiền, mà chúng ta còn phải đặt các câu hỏi cụ thế là kiếm tiền bằng cách nào, những ai sẽ kiếm được tiền và ngoài kiếm tiền ra thì doanh nghiệp còn hướng đến mục đích nào khác không? Nếu một người sáng lập chỉ có mục đích kiếm tiền thì khi anh ta kiếm đủ tiền cho cá nhân thì anh ta sẽ làm gì tiếp theo? Hoặc nếu công ty có khó khăn, người sáng lập có dám tiếp tục bỏ tiền, hoặc lợi nhuận ra để tái đầu tư và cố gắng vượt qua khó khăn hay là từ bỏ để bảo toàn lợi ích? Đây là điều quan trọng cần phải lưu tâm.

Nếu tầm nhìn là điều mà người sáng lập hoặc công ty đó muốn trở thành, muốn được nhìn thấy trong tương lai thì sứ mạng là các vai trò của doanh nghiệp đối với các đối tượng được hướng đến như khách hàng, nhân viên, xã hội trong khi tầm nhìn được thực thi. Vậy thì làm sao để thực thi các tầm nhìn, sứ mạng này đó là khi chúng ta phải xem xét đến các kế hoạch và hành động thực tế. Thông thường mỗi công ty được lập ra đều xuất phát từ một nhu cầu muốn giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội. Vậy giải pháp của công ty cho vấn đề đó là gì? Và các giải pháp đó có mang tính thực thi hay không, có khả năng thực hiện không hay chỉ là giấc mơ hão huyền? Trong lĩnh vực bảo hiểm, rất nhiều người nói rằng họ rất yêu bảo hiểm, họ làm bảo hiểm là để lan tỏa các giá trị tốt đẹp đến với xã hội. Vậy một câu hỏi đặt ra là: nếu không có tiền thì anh có làm không? Nếu như kinh tế anh quá khó khăn, mà việc làm bảo hiểm trước mắt không mang lại thu nhập tốt thì anh có làm không? Vì thế, tầm nhìn hay sứ mệnh không phải là vấn đề nói suông, mà để làm được cần lường trước các khó khăn, và lên những giải pháp cụ thể và các chuỗi hành động liên tục, bền bỉ, nhất quán để khắc phục, vượt qua các khó khăn đó và tiếp tục theo đuổi tầm nhìn mình đã đặt ra.

Tiếp đến là các yếu tố về tính pháp lý. Tính pháp lý là doanh nghiệp này có hợp pháp không, có được cấp phép hoạt động hay không? Vốn điều lệ hay tài sản đảm bảo của công ty là gì? Đối với một doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập lịch sử chưa có gì, năng lực và phẩm chất của người lãnh đạo vẫn còn mới, còn cần thêm thời gian để chứng minh thì một yếu tố then chốt nhất, đó là ít nhất tính pháp lý của công ty đó phải rõ ràng minh bạch. Nếu cả ngay điều này cũng không có thì sẽ là rủi ro cực kỳ lớn cho bất cứ ai muốn làm việc, hay hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp này.

Nếu một công ty chứng minh được những điều trên thì chứng tỏ họ rất nghiêm túc với những gì mình làm và là một đối tác tiềm năng tin cậy để cùng hợp tác.

 

 
Tác giả
Khởi nghiệp là một từ khóa tìm kiếm hàng đầu trong suốt nhiều năm trở lại đây và dần dần đã trở thành một xu hướng lớn và là động lực phát triển mới của nền kinh tế. Ngày càng nhiều người mong muốn xây dựng một sự nghiệp kinh doanh của riêng mình vì vậy nhiều công ty với những mô hình kinh doanh khá ...
Viết bởi
Khởi nghiệp là một từ khóa tìm kiếm hàng đầu trong suốt nhiều năm trở lại đây và dần dần đã trở thành một xu hướng lớn và là động lực phát triển mới của nền kinh tế. Ngày càng nhiều người mong muốn xây dựng một sự nghiệp kinh doanh của riêng mình vì vậy nhiều công ty với những mô hình kinh doanh khá ...