HẬU QUẢ HỦY HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TRƯỚC THỜI HẠN
Nội dung bài viết
- 1. Hợp đồng bảo hiểm là gì?
- 2. Hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn có được không?
- 3. Hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn để lại hậu quả như thế nào?
- 4. Làm thế nào để duy trì hợp đồng và hưởng được lợi ích lớn nhất từ hơp đồng bảo hiểm nhân thọ?
Có rất nhiều trường hợp sau khi đã ký kết hợp đồng bảo hiểm nhưng sau thời gian ngắn ngủi họ lại muốn hủy hợp đồng. Vậy thì họ có được hủy hợp đồng không? Hủy hợp đồng trước thời hạn có chịu nhiều thiệt thòi không? Vì vậy hãy cùng B-Alpha tìm hiểu nhé!
1. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì?
Trong khoản 16, điều 4 Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm 2022 quy định ": “Hợp đồng bảo hiểm" là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng"
Như vậy có thể hiểu hợp đồng này là sự thỏa thuận giữa người mua và công ty bảo hiểm trên giấy tờ có giá trị pháp lý và là căn cứ để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chi trả, bồi thường cho người thụ hưởng trong trường hợp rủi ro là sự kiện bảo hiểm xảy ra; hoặc là căn cứ để chấm dứt hợp đồng, hoàn lại tiền bảo hiểm và nhiều những phương án xử lý trong những trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Chính vì thế hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng là vô cùng quan trọng, quyết định nhiều quyền lợi của khách hàng.
2. Hủy hợp đồng nhân thọ trước thời hạn có được không?
Vấn đề hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm được quy định rõ tại điều 22 Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm 2022. Cụ thể, trong trường hợp khách hàng là bên hủy bỏ hợp đồng thì họ có thể thực hiện trong trường hợp sau:
Khoản 3, điều 22 quy định: Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).
Ngoài ra hợp đồng còn có thể bị hủy bỏ trong những trường hợp khác như:
Tại Điều 26: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp sau đây:
1. Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;
2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm quy định tại Điều 23 của Luật này;
3. Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
4. Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 92 luật này.
Như vậy, hợp đồng bảo hiểm hoàn toàn có thể bị hủy bỏ trước thời hạn do bên mua hoặc do doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng.
3. Hủy hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn để lại hậu quả như thế nào?
Hậu quả về mặt pháp lý đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm được quy định rõ tại điều 27 Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm năm 2022, như sau:
1. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này thì thực hiện như sau:
a) Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm;
b) Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
c) Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
2. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
3. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 26 của Luật này, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 26 của Luật này, bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
Như vậy, trong hầu hết các trường hợp nếu khách hàng hủy ngang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì sẽ chỉ nhận được khoản tiền gọi là giá trị hoàn lại (nếu có) của hợp đồng, và giá trị hoàn lại này ít hay nhiều phụ thuộc vào thời gian tham gia và đóng phí bảo hiểm của khách hàng. Thời gian tham gia càng lâu, đóng phí bảo hiểm càng nhiều thì giá trị hoàn lại càng lớn, ngược lại nếu khách hàng chỉ tham gia bảo hiểm trong thời gian ngắn, trong 1,2 năm đầu tiên thì giá trị hoàn lại là rất ít ỏi so với khoản phí bảo hiểm đã đóng.
Tuy nhiên đây cũng không phải là thiệt hại duy nhất của khách hàng khi hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm mà quan trọng hơn đó là khi khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm thì khi rủi ro không may xảy đến, khách hàng sẽ không được bảo vệ, không được bảo hiểm đứng ra chi trả hay bồi thường. Bởi vì giá trị lớn nhất của bảo hiểm nằm ở chỗ bảo vệ cho những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống, là tấm lá chắn để trong những tình huống xấu nhất xảy ra, khách hàng vẫn có khoản tiền để trang trải cho cuộc sống.
Chính vì thế ngoại trừ trường hợp lỗi thuộc về Doanh nghiệp bảo hiểm hoặc đại lý bảo hiểm ví dụ như: không cung cấp đủ thông tin, lừa dối để giao kết hợp đồng khiến khách hàng bị thiệt hại hoặc mua bảo hiểm không đúng với nhu cầu và khả năng (thì khách hàng nên hủy hơp đồng và đòi lại khoản phí cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có), những trường hợp khác thì khách hàng sẽ chịu thiệt hại rất lớn nếu không duy trì hợp đồng.
4. Làm thế nào để duy trì hợp đồng và hưởng được lợi ích lớn nhất từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ?
Để hưởng được lợi ích lớn nhất của bảo hiểm nhân thọ thì khách hàng cần phải duy trì hợp đồng, đóng phí bảo hiểm đầy đủ theo quy định trong thời hạn của hơp đồng. Muốn có thể duy trì được như vậy, điều tiên quyết đó là khách hàng phải lựa chọn được một sản phẩm bảo hiểm phù hợp, với những điều khoản về mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, thời hạn hợp đồng và các quyền lợi, nghĩ vụ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, khả năng đóng phí và nhu cầu thực sự của bản thân và gia đình. Hợp đồng bảo hiểm là tài sản lớn của khách hàng và những người thân, chính vì thế trước khi đồng ý tham gia bất kỳ hợp đồng bảo hiểm nào, khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, được tư vấn tận tình thấu đáo, và sau khi lựa chọn, giao kết hơp đồng đúng như nhu cầu, nguyện vọng và khả năng thì khách hàng nhất định nên duy trì hợp đồng, tránh hủy ngang để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình được trọn vẹn nhất.
Admin Ánh Tuyết
Xem thêm