KIỆN CÁO SAO CHO ĐÚNG LUẬT VÀ VĂN MINH

Khởi kiện là gì?

Tố cáo là gì?

Cùng tìm hiểu pháp luật để thực hiện quyền khởi kiện và tố cáo cho đúng luật và văn minh!

 

Khởi kiện và tố cáo là 2 quyền quan trọng của công dân để bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình, hoặc nhằm bảo vệ và ngăn chặn khả năng vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức khác... góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Tuy nhiên quyền lợi thì luôn đi kèm với nghĩa vụ và không chỉ người khởi kiện hay người tố cáo mới được bảo vệ mà cả người bị khởi kiện và người bị tố cáo cũng được pháp luật bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp trong suốt quá trình giải quyết sự việc, nhất là khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, việc tìm hiểu những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc khởi kiện và tố cáo là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp hạn chế những rủi ro pháp lý cũng như giảm thiểu những hành vi ứng xử kém văn minh, gây chia rẽ, xung đột trong xã hội.

Khởi kiện là gì?

Điều 4, và 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định rất rõ về việc khởi kiện là gì?

Khoản 1, điều 4:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, khởi kiện là việc một người (tổ chức) được cho là có quyền và lợi ích bị xâm phạm khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết và bảo vệ quyền lợi cho mình. Lúc này họ trở thành nguyên đơn, người bị kiện trở thành bị đơn, và người có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc không ai khác chỉ có thể là Tòa án.

Căn cứ pháp luật cho việc khởi kiện và giải quyết đơn khởi kiện quy định tại Bộ luật dân sự 2015Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Tố cáo là gì?

Điều 2, Luật tố cáo năm 2018 quy định:

"Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức".

Như vậy, xét về bản chất việc thực hiện quyền tố cáo thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Điều 4, luật Tố Cáo cũng quy định rất rõ về Nguyên tắc giải quyết tố cáo

1. Việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật.

2. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Bên cạnh đó, các điều 8, điều 9, điều 10, điều 11 của Luật Tố Cáo cũng quy định rất rõ những quyền và nghĩa vụ của cả người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo, cũng như những điều bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo.

Khi tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật về việc khởi kiện và tố cáo, ta có thể rút ra được những điều quan trọng sau:

  1. Dù là người khởi kiện (nguyên đơn) hay bị đơn; người đi tố cáo hay người bị tố cáo thì cũng phải tuân thủ những nghĩa vụ và được pháp luật bảo vệ những quyền lợi chính đáng,

Ví dụ như:

  • Người tố cáo được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
  • Người bị tố cáo có quyền được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; Được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật; Được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật.
  1. Người có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện, đơn tố cáo và đưa ra kết luận là các cá nhân, cơ quan hoặc Tòa án có thẩm quyền. Bất cứ ai khác đều không có thẩm quyền kết luận về vụ việc.
  2. Việc đưa tin, phát tán thông tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo, hoặc quá trình giải quyết đơn kiện, sẽ rất dễ trở thành hành vi xuyên tạc, xu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Qua đây ta thấy, mặc dù quyền khởi kiện hay tố cáo là quyền rất quan trọng của công dân để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình nhưng rất nhiều trường hợp do không nghiên cứu kỹ về quy định của pháp luật về khởi kiện, tố cáo, nên nhiều người dân rất dễ đi vào con đường phát tán các loại thông tin không được phép hoặc khi chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là trong thời đại hiện nay, việc “tố nhau online” đang tràn lan trên các mạng xã hội. Điều này không chỉ dẫn đến các hậu quả pháp lý cho bản thân, “bắt gà không được còn mất luôn nắm thóc” mà còn tạo ra một lối ứng xử xấu xí, thiếu văn hóa, văn minh trong đời sống hằng ngày.

Hãy trở thành một công dân thông thái, văn minh, am hiểu và có niềm tin vào pháp luật.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng